HAGL từng ghi nhận tỉ suất lợi nhuận gộp từ mía đường lên tới 64% năm 2013 |
Thành Thành Công (TTC) sẽ mua nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Đây chưa phải là tin chính thức và TTC không có xác nhận nào liên quan. Tuy nhiên, trước thông tin bên lề về việc hai bên đang ngồi lại để bàn về thương vụ, thị trường đã xôn xao. Chưa rõ TTC mua nhà máy đường của HAGL với giá nào, mua một phần hay toàn bộ nhưng nếu xảy ra, đây có lẽ là thương vụ đem lại nhiều giá trị cho TTC.
Xét về giá cả, khi mua lại tài sản của một công ty đang thua lỗ, nợ nần chồng chất, đó thường là thương vụ giá hời. Theo HAGL, tổng vốn đầu tư các hạng mục mía đường tại Lào là hơn 87 triệu USD. Trong đó, khoảng 80% được rót cho nhà máy nhiệt điện và nhà máy mía đường, còn lại dành đầu tư vùng nguyên liệu mía.
HAGL từng tuyên bố, với thổ nhưỡng phù hợp, trồng trọt tập trung, đầu tư bài bản và theo hướng công nghệ cao, năng suất trồng mía của HAGL ở Lào sẽ đạt 120 tấn/ha, gấp đôi năng suất trồng mía trung bình của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Đặc biệt, HAGL nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ Lào. Vì thế, tại Đại hội cổ đông thường niên 2013, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết, giá thành sản xuất đường của HAGL chỉ bằng 1/3 giá thành sản xuất trung bình của các nhà máy đường trong nước.
Với lợi thế đó, năm 2013 HAGL đã ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp từ mía đường lên tới 64%. Trong khi con số này ở các doanh nghiệp đường trong nước bình quân chỉ 11-13%. Những công ty hoạt động hiệu quả như Mía đường Sơn La, Mía đường Gia Lai cũng chỉ đạt biên lãi gộp 20%.
Rõ ràng, mía đường từng là mảng kỳ vọng của HAGL, từng khiến các công ty đường ở Việt Nam mất ăn mất ngủ do đường của HAGL có nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội. Đã từng có những tranh luận gay gắt nổ ra, giữa một bên ủng hộ và một bên phản đối việc mở cửa cho đường của HAGL từ Lào vào Việt Nam. Tình hình căng thẳng đến mức phía HAGL phải xoa dịu rằng, chỉ bán đường thô vào Việt Nam, còn tiêu thụ của đường HAGL sẽ ở thị trường châu Âu - nơi các nhà sản xuất ở Lào khi xuất khẩu sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất 0% (trừ vũ khí) dành riêng cho các quốc gia nghèo theo chương trình GSP của EU.
Thực tế, một phần đường của HAGL nhập về Việt Nam theo hạn ngạch cấp phép của Bộ Công Thương (năm 2015: 50.000 tấn, 2016: 30.000 tấn, dự kiến 2017: 30.000 tấn) và phần lớn được bán cho Đường Biên Hòa (BHS) để đơn vị này tinh luyện đường xuất khẩu. Nhưng sắp tới, HAGL có thể tiêu thụ đường ở Việt Nam với thuế suất 0%, theo Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào.
Nếu mua lại nhà máy đường và nắm được mảng đường từ HAGL, TTC sẽ hưởng tất cả các lợi ích này, nhất là việc có thể chủ động hơn về nguyên liệu đầu vào cho các công ty con.
Số liệu từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy cuối năm 2015, TTC sở hữu 5 công ty mía đường gồm Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ Bourbon Tây Ninh - SBT), Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), BHS, Đường Ninh Hòa (NHS) và Mía đường Phan Rang. TTC đã sáp nhập SEC vào SBT, NHS vào BHS. TTC cũng nắm cổ phần ở một số công ty đường khác như Đường Nước Trong, Bourbon An Hòa, Đường La Ngà, Đường 333… Nhưng theo BVSC, M&A doanh nghiệp cùng ngành mới chỉ là bước đầu tiên trong chiến lược dài hạn của TTC.
TTC đặt kế hoạch sẽ M&A các công ty có vùng nguyên liệu lớn, đưa giống mía từ Thái Lan, Úc... về Việt Nam, thay đổi công nghệ tưới nước nhỏ giọt để tăng năng suất. Ở bước tiếp theo, TTC muốn tìm thêm đối tác là các công ty mía đường nước ngoài. Nhìn vào chiến lược này, mua lại nhà máy đường của HAGL phù hợp với bước đi dài hạn của TTC.
TTC đang đứng đầu ngành đường cả nước, với thị phần 17,4%, theo AgroMonitor. Xét riêng miền Nam, địa bàn hoạt động chính của TTC, Tập đoàn giữ thị phần gần 30%. Nếu có sự hợp lực từ việc mua lại nhà máy đường HAGL, TTC sẽ được gia tăng thêm sức mạnh từ vùng nguyên liệu mở rộng hàng chục ngàn hecta, từ công suất sản xuất nâng thêm hàng trăm ngàn tấn và có thể hạ giá thành sản phẩm xuống mức đáng kể. Qua đó, TTC sẽ có điều kiện mở rộng thị phần và gia tăng năng lực cạnh tranh.
Thực tế, đường Việt Nam lép vế trước đường Thái Lan, do chi phí sản xuất đường ở Thái chỉ bằng khoảng một nửa ở Việt Nam, theo OECD Stat. Thống kê từ Tổng cục Hải Quan cho hay, Thái Lan đang là quốc gia nhập đường mạnh nhất vào Việt Nam. Phía Thái Lan cũng có báo cáo nêu rõ, tuy Việt Nam chỉ đứng thứ 9 trong số các quốc gia mua đường của Thái nhưng lại đạt tốc độ tăng trưởng tới 258% trong 10 tháng đầu năm 2015. Đó là vì Thái Lan đã biết tranh thủ cơ hội từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực (1/1/2015). Sắp tới, khi các rào cản thuế quan được gỡ bỏ theo hiệp định AFTA đã ký kết, dự báo đường ngoại sẽ càng đổ vào Việt Nam, gây sức ép mạnh mẽ lên các doanh nghiệp đường trong nước.
Cũng cần nhắc đến yếu tố cung cầu khi niên vụ 2014-2015 là năm thứ 5 liên tiếp ngành mía đường thế giới trải qua tình trạng thừa cung. Theo dự báo của Tổ chức Đường Thế giới (ISO), trong mùa vụ 2015-2016, dự kiến ngành đường thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng thừa này. Giá đường ở Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực.
Trong bối cảnh đó, bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc gia tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm là một trong những mục tiêu trọng yếu đối với TTC. Từ vài năm trước, tập đoàn này đã đưa quản trị và điều hành chuyên nghiệp vào lĩnh vực mía đường. TTC cũng đã hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật cho nông dân trồng mía, lập trung tâm nghiên cứu mía, sử dụng tia laser trong việc hình thành các cánh đồng mía, cơ giới hóa nhiều khâu và hệ thống tưới tiêu tiết kiệm. Ngoài ra, TTC cũng đã tận dụng các phế phẩm để đa dạng hóa sản phẩm như cồn, ván ép, phát điện, sản xuất nước mía không ngọt…
Mới đây, 2 công ty thuộc TTC cũng đã huy động được 1.500 tỉ đồng qua việc phát hành trái phiếu cho mục tiêu gia tăng tiềm lực tài chính. Tất cả để chuẩn bị cho những hoạt động đầu tư, M&A sắp tới. Nếu đúng TTC mua lại nhà máy đường của HAGL, đây có lẽ là bước dọn đường kế tiếp sau chặng đường M&A các doanh nghiệp cùng ngành trong nước.
Theo Báo Đầu tư