Đánh giá
Cơ quan QLTT phối hợp với phòng PC 46 Công an tỉnh Bình Định điều tra vụ việc và phát hiện được nơi sản xuất sản phẩm giả bột ngọt, hạt nêm hiệu Knorr với tổng lượng hàng gần 7,2 tấn.
Kho hàng giả của Công ty Đại Tân.
Đội trưởng Quản lý thị trường (QLTT) chống hàng giả (Chi cục QLTT Bình Định), ông Nguyễn Thanh Hiếu cho biết, vừa bắt giữ gần 7,2 tấn bột ngọt, hạt nêm giả tại kho hàng của Công ty TNHH Đại Tân (lô 17-18, tổ 13, khu vực 2, P. Nhơn Bình, TP Quy Nhơn).
Cụ thể, nhận được nguồn tin từ phía Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam có phát hiện một số sản phẩm Knorr giả mạo nhãn hiệu Unilever xuất hiện tại Bình Định, cơ quan QLTT phối hợp với Phòng PC 46 Công an tỉnh Bình Định điều tra vụ việc và phát hiện được nơi sản xuất sản phẩm giả bột ngọt, hạt nêm nhãn hiệu Knorr của Công ty TNHH Đại Tân.
Ngày 9/9, Đội QLTT chống hàng giả phối hợp lực lượng PC46 và Công an P. Nhơn Bình vây bắt kho hàng nói trên. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ gần 7,2 tấn nguyên liệu, bao bì, thùng và toàn bộ dụng cụ làm hàng giả. Đây là lô hàng giả lớn nhất mà Đội QLTT chống hàng giả bắt giữ từ trước đến nay tại Bình Định.
Cơ quan chức năng tiến hành lấy lời khai của ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đại Tân. Theo ông Tân, công ty mua bột ngọt hiệu 3 con tôm do Trung Quốc sản xuất với giá 920.000đ/bao có trọng lượng 25kg, đóng gói thành bột ngọt A-one với nhiều trọng lượng khác nhau; mua bột ngọt Safi từ Công ty tổng hợp thương mại Trung Hiếu (đường Hùng Vương, TP Quy Nhơn) với giá trên 1 triệu đồng/bao có trọng lượng 25kg, đóng gói thành bột ngọt Orsan; mua hạt nêm Kooker của Công ty cổ phần công nghiệp Quốc tế với giá 35.000đ/kg, đóng gói thành hạt nêm Knorr của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Tùy theo khối lượng đóng gói, các sản phẩm được bán ra thị trường với giá thấp hơn của chính hãng từ 15.000đ. Ông Tân khai thêm, toàn bộ bao bì, thùng giấy và bột ngọt hiệu 3 con tôm xuất xứ Trung Quốc đều được mua từ đầu mối của một cơ sở buôn bán tại Chợ Lớn (TP.HCM), mọi giao dịch đều thực hiện qua điện thoại nên không rõ danh tính của người bán.
Được biết, Công ty TNHH Đại Tân có trụ sở chính tại số 27 Nguyễn Khuyến, P. Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đăng ký giấy phép kinh doanh lần 1 vào năm 2010 và lần 2 năm 2013. Ngành nghề đăng ký là buôn bán thực phẩm, buôn bán dụng cụ gia đình, buôn bán đồ uống và sản xuất bột ngọt…
Toàn bộ lô hàng giả bị bắt đang tạm giữ tại kho của Đội QLTT chống hàng giả. Cơ quan QLTT Bình Định đang liên hệ với các nhãn hàng bột ngọt A-one, Orsan cung cấp các thông tin, chi tiết liên quan đến chất lượng sản phẩm và cách phân biệt hàng thật – giả.
Nếu không kiểm tra kỹ, rất khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả
Theo thông tin chi tiết từ phía Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cung cấp, việc phân biệt hàng giả – thật sản phẩm Knorr dựa vào 4 yếu tố:
1.Đường răng cưa trên bao bì, hàng thật răng cưa thưa, hàng giả răng cưa dày và nhọn.
2.Đường biên trên bao bì sản phẩm Knorr thật không có gấp khúc, Knorr giả có đường gấp khúc.
3.Chữ viết và màu sắc trên sản phẩm Knorr thật sắc nét, Knorr giả bị nhòe.
4.Thông tin ngày sản xuất trên bao bì thật đều ký hiệu 2 con số ngày – tháng – năm, riêng bao giả năm ghi bằng 4 con số. Hạn sử dụng của hàng thật là 15 tháng, hàng giả trên 15 tháng.
(Ông Nguyễn Thanh Hiếu – Đội trưởng Đội QLTT chống hàng giả tỉnh Bình Định)
Thu Dịu/PNO
Quý khách cần báo giá chính xác
Vui lòng BẤM VÀO ĐÂY để cung cấp đầy đủ các thông tin nhé!
Liên hệ tư vấn bao bì phù hợp:
CÔNG TNHH SAO LAM Trụ sở : G5-7 ấp 4, Thạnh Phú, Vĩnh Cửu, Đồng Nai |